Có rất nhiều kế toán mới vào nghề hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm làm kế toán thực tế thường hay gặp khó khăn khi điền thông tin tại cột “Xóa bỏ” và “Hủy” trong bản báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Ngoài việc tìm hiểu những quy định về viết hóa đơn GTGT, về cách lập tờ khai thuế giá trị gia tăng,… kế toán nên trang bị cho mình những kiến thức về hóa đơn GTGT để xử lý nghiệp vụ hiệu quả. Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây để có thể phân biệt xóa bỏ và hủy bỏ hóa đơn GTGT.
1. Như thế nào là huỷ hoá đơn?
Căn cứ vào Điều 29 Thông tư 39/2014/TT-BTC về “Huỷ hoá đơn” thì các trường hợp huỷ hoá đơn bao gồm:
– Hóa đơn đặt in bị in sai, in trùng, in thừa. Những hóa đơn này phải được hủy trước khi thanh lý hợp đồng với nhà in.
– Tổ chức, hộ, cá nhân có hóa đơn không tiếp tục sử dụng phải thực hiện hủy hóa đơn.
Đối với các trường hợp phải huỷ hoá đơn này thì doanh nghiệp, hộ, cá nhân sẽ phải làm thông báo lên cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc huỷ hoá đơn và thời hạn hủy hóa đơn chậm nhất là ba mươi (30) ngày kể từ ngày thông báo với cơ quan thuế.
Nếu như là trường hợp bắt buộc phải huỷ hoá đơn do Cơ quan Thuế thông báo thì thời hạn để doanh nghiệp huỷ hoá đơn là chậm nhất là mười (10) ngày kể từ ngày cơ quan thuế thông báo hết giá trị sử dụng hoặc từ ngày tìm lại được hóa đơn đã mất.
Do đó, với trường hợp hoá đơn bị mất đã làm thông báo với cơ quan thuế nhưng sau đó tìm lại được thì doanh nghiệp cũng cần phải thực hiện huỷ hoá đơn trong vòng 10 ngày kể từ ngày tìm lại được hoá đơn. Các loại hóa đơn đã lập của các đơn vị kế toán được hủy theo quy định của pháp luật về kế toán.
Có thể thấy rằng, khi làm báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn, các bạn sẽ điền những hoá đơn bị huỷ vào cột số (19):
– Các hoá đơn in sai, in thừa.
– Các hoá đơn không tiếp tục sử dụng nữa mà phải làm thông báo lên cho cơ thuế để huỷ.
2. Như thế nào là hoá đơn bị xóa bỏ?
Các hoá đơn được ghi vào cột “Xóa bỏ” là những hóa đơn thuộc các trường hợp sau:
– Hoá đơn viết sai và chưa giao cho người mua nhưng sau đó phát hiện ra mình viết sai hoá đơn, kế toán gạch chéo các liên viết sai và xuất lại hoá đơn mới.
– Hoá đơn đã giao cho người mua rồi mới phát hiện ra có sai sót, hai bên chưa kê khai nên bên bán và bên mua tiến hành lập biên bản thu hồi hoá đơn sau đó bên bán xuất lại hoá đơn mới. Cách xử lý hoá đơn đã lập được quy định tại Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC và được sửa đổi bổ sung tại Khoản 7, Điều 3, Thông tư 26/2015/TT-BTC.
– Trường hợp bên mua trả lại hàng do hàng hoá, dịch vụ không đúng với quy cách, chất lượng như đã thoả thuận mà bên mua là đối tượng không có hoá đơn để xuất trả lại cho bên bán thì lúc này, bên bán và bên mua cần làm “Biên bản trả lại hàng và thu hồi hoá đơn” để bên mua trả lại hàng cho bên bán. Song song đó bên bán thu hồi lại hoá đơn đã lập thì trường hợp này hoá đơn thu hồi về cũng sẽ thuộc hoá đơn bị xoá bỏ.
Cách lưu trữ hóa đơn điện tử theo Thông tư 32/2011
Kê khai thuế đối với chi nhánh có quy định gì?
Như vậy, khi làm Báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn các bạn sẽ điền những hoá đơn bị xoá bỏ vào cột số (15):
– Các hoá đơn đã viết sai gạch chéo các liên đang lưu tại cuống.
– Các hoá đơn viết sai mà đã thu hồi lại hoá đơn để xuất lại hoá đơn mới.
– Hoặc trường hợp thu hồi lại hoá đơn đã lập do bên mua trả lại hàng đối với tổ chức, hộ cá nhân không có hoá đơn để xuất trả lại.