Hiện nay, để phục vụ cho quá trình kinh doanh được thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã mở thêm các chi nhánh phụ thuộc ở địa phương khác với trụ sở chính. Khi đó doanh nghiệp sẽ phải hoàn thiện thủ tục mở chi nhánh tại phòng Đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh đặt trụ sở. Bên cạnh quan tâm đến hướng dẫn sử dụng etax trong trường hợp này, quy định về kê khai thuế, nộp thuế đối với chi nhánh phụ thuộc cũng là vấn đề nhiều kế toán vướng mắc.
1. Khai lệ phí môn bài cho chi nhánh của doanh nghiệp
Chi nhánh là một trong các đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp. Do vậy, việc khai và nộp lệ phí môn bài thực hiện tại cơ quan thuế nơi đặt chi nhánh. Việc khai thuế môn bài cho chi nhánh có thể thực hiện bằng chữ ký số và nộp tiền qua hình thức nộp thuế điện tử.
– Nếu chi nhánh hạch toán độc lập thì kê khai tại cơ quan thuế nơi chi nhánh đó đặt trụ sở
– Trường hợp chi nhánh hạch toán phụ thuộc: Chi nhánh đó có trụ sở cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với doanh nghiệp thì doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế cho chi nhánh tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Chi nhánh đó có trụ sở khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với doanh nghiệp thì chi nhánh kê khai thuế tại cơ quan thuế nơi chi nhánh đặt trụ sở
2. Đối với việc kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) của chi nhánh:
– Nếu chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì khai thuế tập trung tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
– Nếu doanh nghiệp khai nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thì doanh nghiệp khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có chi nhánh.
– Số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương được xác định theo tỷ lệ 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%) hoặc theo tỷ lệ 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra.
– Người nộp thuế phải lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán” theo mẫu số 01-6/GTGT cùng với hồ sơ khai thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp, đồng thời gửi một bản Bảng phân bổ mẫu số 01-6/GTGT nêu trên tới các cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ sở sản xuất trực thuộc.
3. Thuế thu nhập doanh nghiệp cho chi nhánh
– Chi nhánh hạch toán độc lập: Nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại chi nhánh cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
– Chi nhánh hạch toán phụ thuộc: chi nhánh không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp sẽ kê khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại chi nhánh.
Lợi thế mà doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử có được
Có thể sử dụng phần mềm nào để đọc được file của hóa đơn điện tử?
4. Chi nhánh sử dụng hóa đơn riêng hay chung với công ty mẹ?
– Trường hợp chi nhánh sử dụng hóa đơn riêng khi đó doanh nghiệp đặt in hóa đơn cho chi nhánh thì tên tổ chức kinh doanh phải được in sẵn phía trên bên trái của tờ hóa đơn. Chi nhánh đóng dấu hoặc ghi tên, mã số thuế, địa chỉ vào tiêu thức “tên, mã số thuế, địa chỉ người bán hàng” để sử dụng.
– Nếu chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của doanh nghiệp: Chi nhánh hạch toán độc lập phải gửi Thông báo phát hành cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Chi nhánh hạch toán phụ thuộc: Không phải thông báo phát hành hóa đơn.
Hy vọng những thông tin chia sẻ về một số quy định khi kê khai thuế cho chi nhánh sẽ mang lại ích lợi cho kế toán trong quá trình công tác, giúp kế toán cũng như doanh nghiệp kê khai thuế chính xác, tránh trường hợp sai sót không đáng có.